Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo

Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên là hoạt động không thể thiếu trong kế hoạch đào tạo ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng. Thông qua NCKH, không chỉ giúp sinh viên đào sâu hơn kiến thức đã học, mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mình. Thế nhưng, hoạt động này ở cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố chưa phát triển mạnh mẽ…  

Nhiều năm qua, khoa Công nghệ - Trường ĐH Cần Thơ luôn đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, phục vụ cho việc dạy - học và nghiên cứu khoa học. Ảnh: B.NGỌC. 


* Nỗ lực của sinh viên

Lễ trao giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2012, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trường Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai tổ chức tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào ngày 5-1 vừa qua, Trường ĐH Cần Thơ vinh dự có 11 giải thưởng dành cho sinh viên, giảng viên. Trong đó sinh viên được 7 giải (3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích). Bạn Lê Thanh Bằng, sinh viên ngành Cơ khí chế tạo máy khóa 35, Trường ĐH Cần Thơ là một trong những sinh viên vinh dự nhận giải Ba của cuộc thi này, với Đề tài "Thiết kế, chế tạo máy chẻ tre – trúc cho làng nghề thủ công".

Ý tưởng đề tài trên xuất phát từ khi Bằng còn nhỏ, tại làng nghề ở Lai Vung, Đồng Tháp – nơi Bằng sinh ra. Khi ấy, hình ảnh những cô, chú sống ở các làng nghề miệt mài đan từng cọng lác, tre, trúc để đan thành lờ, lọp… đánh bắt tôm, cá. Bằng tự hỏi: "Tại sao không có một chiếc máy để chẻ tre, trúc, có thể cô, chú tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao giá trị sản phẩm?". Đến khi vào học đại học (năm học thứ 2), Bằng mới có cơ hội để thực hiện niềm đam mê này. Bằng kể: "Năm 2011, tôi đăng ký thực hiện đề tài, lúc đó, tôi rất bỡ ngỡ và không biết thực hiện từ đâu. Nhờ thầy, cô chỉ dẫn nên tôi bắt đầu tìm đọc tài liệu qua mạng Internet, sách báo... cùng với kiến thức đã học, tôi đã bảo vệ đề tài thành công ở cấp khoa, cấp trường". Đề tài được trường phê duyệt, thời gian thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 6-2012, với kinh phí 20 triệu đồng. Theo Bằng, để "ra lò" sản phẩm này, Bằng phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Ngoài giờ học, Bằng tranh thủ thời gian vào cuối tuần hoặc bất kỳ khi nào rảnh rỗi để làm đề tài. Những lúc cao điểm, Bằng làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Bằng nói: "Không nhớ bao nhiêu lần, tôi phải bỏ bản vẽ thiết kế vì chưa đúng hoặc chưa vừa ý, bởi thực tế khác hẳn so với kiến thức lý thuyết đã học. Tôi phải đọc thật kỹ, đi thực tế tại các làng nghề, tìm nguyên vật liệu để chế tạo máy. Nhưng với lòng đam mê của mình, đã giúp tôi hoàn thành sản phẩm". Sản phẩm được Hội đồng khoa học Trường ĐH Cần Thơ đánh giá cao, bởi có thể ứng dụng rộng rãi vào các làng nghề tre, trúc làm nguyên liệu sản xuất như: chân nhang, bội trồng hoa kiểng, nan làm lờ, lọp. Máy có thể chẻ được khối lượng nguyên liệu lớn trong thời gian nhanh gấp 5 lần so với làm thủ công…

Không chỉ riêng Trường ĐH Cần Thơ, phong trào NCKH trong sinh viên, học sinh ở các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn TP Cần Thơ cũng được đẩy mạnh. Đã có những đề tài NCKH của sinh viên của Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ… đoạt khá nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi. Với các trường cao đẳng, tuy hoạt động NCKH chưa phải mạnh so với các trường "đàn anh" nhưng đã có nhiều sinh viên tham gia NCKH và đánh giá khá cao. Đó là Nguyễn Thành Nam và Trần Thanh Nhung, là sinh viên năm cuối ngành Quản lý và Bảo vệ môi trường- Trường Cao đẳng Cần Thơ. Nam thực hiện đề tài "Nghiên cứu khả năng xử lý chất thải hữu cơ của trùn quế ở hộ gia đình"; còn Nhung thực hiện đề tài "Xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp biogas ở hộ gia đình". Cả hai đề tài này được đánh giá hiệu quả cao và còn là nền tảng để giúp hai bạn thực hiện luận văn tốt nghiệp sau này. Anh Trần Thanh Sang, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, nói: "Từ năm học 2011-2012 đến nay, có 964 sinh viên tham gia cùng các giảng viên thực hiện đề tài NCKH. Qua đó, giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo".

* Để khuyến khích sinh viên tham gia NCKH

Qua thống kê của Trường ĐH Cần Thơ, số đề tài NCKH trong sinh viên ngày càng tăng. Năm 2009, trường có 30 đề tài thì năm 2012 tăng thêm 11 đề tài. Giai đoạn 2009-2012, tổng số đề tài NCKH trong sinh viên là 145 đề tài, trong đó, Khoa Công nghệ có nhiều đề tài nhất. Theo cô Võ Thị Ngọc Nở, cán bộ phụ trách NCKH Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ, so với trước đây, kinh phí thực hiện đề tài NCKH trong sinh viên có tăng lên. Trước năm 2009, mỗi đề tài được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng thì nay tăng gấp đôi. Thế nhưng, cô Nở cho rằng: "Phần lớn các đề tài phục vụ cho việc học của sinh viên, nhưng khó có khả năng ứng dụng vào thực tế". Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ, nói: Ngoài những đề tài còn "độ vênh" so với thực tế, các đề tài khác của sinh viên có giá trị thực tiễn cao như: Đề tài "Thiết kế, chế tạo máy chẻ tre – trúc cho làng nghề thủ công" của Lê Thanh Bằng. Song, để ứng dụng vào thực tế phải được doanh nghiệp hỗ trợ đặt hàng sản phẩm. Khoa đã thành lập 3 trung tâm dịch vụ nhằm chuyển giao ý tưởng khoa học- công nghệ của sinh viên, giảng viên vào thực tế cuộc sống nhưng với qui mô nhỏ.

Theo nhận định chung của cán bộ quản lý giáo dục, sinh viên các trường, vấn đề kinh phí là một khó khăn đối với sinh viên tham gia NCKH. Bạn Nguyễn Thành Nam nói: "Đề tài của tôi đòi hỏi phải thường xuyên đi thực tế đến các hộ dân để thu thập số liệu về khả năng chất thải, chất hữu cơ của trùn quế". Còn theo bạn Trần Thanh Nhung, đề tài thực hiện hơn 2 tháng, trong đó phải đến các hộ dân hơn 20 ngày để hướng dẫn người dân làm hầm ủ biogas và thu thập số liệu, mới có thể hoàn chỉnh đề tài. Song, theo hai bạn, việc bỏ công sức, thời gian không đáng ngại nhưng để khuyến khích nhiều sinh viên tham gia NCKH cần có chi phí hỗ trợ để thực hiện đề tài. Trong thực tế đã có nhiều sinh viên, dù được hỗ trợ kinh phí nhưng khi thực hiện, chi phí thực tế luôn "hụt" so với dự toán ban đầu, chưa kể thủ tục thanh toán còn rườm rà, chậm tiến độ...

Khía cạnh khác ít nhiều khiến sinh viên còn ngại tham gia NCKH là chi phối việc học, vì sinh viên phải lo chuyện học trước, sau đó mới NCKH. Khi còn học phổ thông, chuyện NCKH đối với sinh viên khá xa lạ; đến năm thứ 2 đại học, cao đẳng, sinh viên mới tập làm quen hoặc gián tiếp tham gia NCKH (trả lời câu hỏi và làm bài tập theo phiếu điều tra đề tài của giảng viên; cùng giảng viên thực hiện đề tài)… nên khá lúng túng. Cuối năm học 2011-2012, trường khuyến khích sinh viên thực hiện đề tài NCKH, tạo nền làm khóa luận tốt nghiệp sau này. Anh Sang nói: "Sinh viên tham gia NCKH có nhiều lợi thế so với những sinh viên khác, vì sau khi tốt nghiệp, các em có kinh nghiệm và kiến thức thực tế, ra trường tìm việc thuận lợi hơn. Sắp tới, đoàn trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo, lồng ghép những hoạt động nghiên cứu khoa học để thúc đẩy phong trào này".

***

Hoạt động NCKH tạo nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là giúp sinh viên chủ động ứng dụng những lý thuyết trên giảng đường vào thực tế. Tuy nhiên, NCKH trong sinh viên ở các trường vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn cho rằng: "Khoa sẵn sàng hỗ trợ cho các sinh viên đề xuất được ý tưởng mang tính thực tiễn cao; nhưng để thúc đẩy hơn nữa hoạt động NCKH trong sinh viên, vẫn cần sự tiếp sức của các ngành, đơn vị chức năng".

(Nguồn Báo Cần Thơ)

Lượt xem: 1262

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI