Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo Dự án ACP “Báo cáo giữa kỳ về hợp tác đo lường khí phát thải nhà kính”

Ngày 10/10/2013, Hội thảo “Báo cáo giữa kỳ về hợp tác đo lường khí phát thải nhà kính” đã được tổ chức tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Buổi lễ vinh dự đón tiếp đại biểu lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Dự án ACP (Agriculture Competiveness Project), Văn phòng ACP cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng với 12 hộ nông dân tham gia thí nghiệm sản xuất lúa thuộc vùng dự án ACP.

Hội thảo “Báo cáo giữa kỳ về hợp tác đo lường khí phát thải nhà kính” diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường ĐHCT


Việc sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL không những đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Tuy vậy, điều kiện canh tác lúa hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, đặc biệt là vấn đề hạn chế trong áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và cơ giới hóa nông nghiệp cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt... Do đó, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án ACP về “Nông nghiệp cạnh tranh” đã được triển khai dưới sự chủ trì của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự tài trợ của World Bank. Dự án được thưc hiện trong giai đoạn 2012 - 2013 tại 07 tỉnh ĐBSCL thuộc 02 vùng sinh thái nông nghiệp thâm canh cây lúa khác nhau, gồm: vùng ảnh hưởng lũ (An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang) và vùng chủ động nước và ít ảnh hưởng lũ (Tiền Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng). Mục tiêu của dự án ACP nhằm tập huấn về kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ trang thiết bị nông nghiệp và trình diễn kỹ thuật, tìm giải pháp giúp bà con nông dân có cơ hội tăng thu nhập thông qua hỗ trợ xác định và thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến có hiệu quả về mặt chi phí, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo tính bền vững về môi trường. Trong đó, Trường ĐHCT cũng vinh dự là đơn vị tham gia phối hợp triển khai thực hiện Dự án tại vùng ĐBSCL với nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của vùng.


Tại Hội thảo, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo sơ kết đánh giá hiện trạng thực hiện mô hình “1 phải 5 giảm” (1 phải là sử dụng giống lúa được chứng nhận, 5 giảm là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch); báo cáo sơ kết thử nghiệm mô hình canh tác lúa giảm khí thải và kiểm kê phát thải khí nhà kính từ ruộng sản xuất lúa. Qua đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và góp ý về kết quả các báo cáo, từ đó tổng hợp, thu thập thêm thông tin một cách đầy đủ và chính xác, đồng thời rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động tiếp theo của Dự án.

PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT đại diện nhà trường phát biểu tại Hội thảo

 

Đại diện các nhóm nghiên cứu tiến hành báo cáo sơ kết công tác thực hiện các nội dung của Dự án ACP

 

(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)

Lượt xem: 2442

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI