Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN
-

Tọa đàm trực tuyến “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 25/3/2022, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Tọa đàm có đại diện Tổ chức CSIRO (Úc), Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar, đại diện các UBND, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương; các cơ quan, tổ chức, viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Về phía Trường Đại học Cần Thơ có Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Tọa đàm “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà điều hành, Trường Đại học Cần Thơ

 

Các đại biểu tham dự trực tuyến

Thế giới ngày nay đang bước vào thời đại của sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng và mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; thời đại của toàn cầu hóa, của hội nhập - hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Song song đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh,... Vì vậy, đẩy mạnh hợp tác là xu hướng tất yếu để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu được ban hành nhằm đáp ứng tốt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Quyết định Số 825 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham gia Hội đồng, có Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ là đại điện cho cơ sở đào tạo, khoa học và công nghệ của vùng. Phát biểu tại Hội nghị Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu lần thứ ba, ngày 13 tháng 3 năm 2021 tại TP. Cần Thơ sơ kết Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Giao cho Trường Đại học Cần Thơ tổ chức diễn đàn đối thoại khoa học phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045”.

Ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, qua 56 năm hình thành và phát triển không ngừng, Trường Đại học Cần Thơ đã và đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của vùng, với sứ mệnh “là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hiệu quả phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của quốc gia”. Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ hiện có đội ngũ cán bộ hơn 1.800 người, trong đó có 14 giáo sư, 139 phó giáo sư, 532 tiến sĩ và 716 thạc sĩ. Trường có 16 đơn vị đào tạo, với 109 ngành đào tạo bậc đại học, 48 ngành bậc cao học và 20 ngành bậc tiến sĩ, với tổng số gần 44.000 sinh viên và trên 2.500 học viên sau đại học. Hằng năm, Nhà trường thực hiện gần 500 đề tài, dự án trong nước và quốc tế, phát triển và tập huấn, chuyển giao nhiều quy trình công nghệ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Trong bối cảnh với cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, với sứ mệnh, nguồn lực và vị thế của mình, cam kết đẩy mạnh nối kết và hợp tác với các bên liên quan trong nước và quốc tế để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Diễn đàn “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - tầm nhìn 2045" (SDMD 2045) do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng và chủ trì, đang được bắt đầu triển khai với nhiều hoạt động. Trong đó, diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức thường niên 2 năm 1 lần, và Diễn đàn SDMD 2022 là diễn đàn đầu tiên sẽ được tổ chức vào 30/10/2022 tại Trường.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu khai mạc Tọa đàm

Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn SDMD 2045, Tọa đàm trực tuyến thường kỳ sẽ được tổ chức mỗi quý, vào tháng Ba, tháng Sáu, tháng Chín và tháng Mười Hai hằng năm với các chủ đề khác nhau. Tọa đàm đầu tiên với chủ đề: “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã thu hút gần 300 đại biểu  tham dự cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, có 06 tham luận được trình bày xoay quanh các nội dung về: thành tựu mới về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu chủ lực trong khu vực chia sẻ thông tin về nhu cầu và năng lực cung cấp khoa học và công nghệ của các bên, làm cơ sở cho hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa và cây ăn quả của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, thực trạng về cơ giới hóa Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng được trình bày, từ đó, đưa ra định hướng phát triển khoa học và công nghệ, cũng như các chính sách về khoa học và công nghệ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phù hợp cho xu thế phát triển của vùng.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin về hiện trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; gợi ý, xúc tiến hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cũng như đề xuất cho các cấp, các ngành trong quản lý, phát triển nhanh và bền vững nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 

PGS.TS. Lê Văn Vàng và PGS.TS. Lý Nguyễn Bình, Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, trình bày tham luận về thành tựu mới về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ

 

TS. Mai Nguyệt Lan, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trình bày nội dung thành tựu mới về khoa học và công nghệ trong sản xuất lúa

 

ThS. Nguyễn Nhật Trường, Viện Cây ăn quả miền Nam, trình bày thành tựu mới về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cây ăn quả

 

TS. Trương Chí Thành, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar, báo cáo thực trạng về cơ giới hóa nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 

Các đại biểu thảo luận

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

(Ban Biên tập)



 

Lượt xem: 915

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI