Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo Quốc tế về xâm nhập mặn trong tương lai

Xâm nhập mặn là một trong những thách thức lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thời gian gần đây, tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện ngày càng phổ biến và phức tạp, gây ảnh hưởng đến tài nguyên đất và nguồn nước ở nhiều quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tác động đáng kể đến môi trường đất, tạo áp lực lên nguồn cung cấp nước ngọt và an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản và làm sự giảm đa dạng sinh học. Nguyên nhân của vấn đề này là do các hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán kéo dài, ngập lụt và nước biển dâng cao, cũng như các nguyên nhân chủ quan do con người gây ra, nổi bật là quản lý nước chưa thực sự hiệu quả.

 Ảnh toàn cảnh Hội thảo

Nhằm thảo luận về những hạn chế và tìm kiếm giải pháp khắc phục xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các chương trình nghiên cứu về quản lý đất, nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, Ngày 04/03/2024, tại Hội trường Tòa nhà công nghệ cao (ATL) đã diễn ra Hội thảo Quốc tế về độ nhiễm mặn của đất trong tương lai (International ACIAR Salinity Futures Symposium) do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Úc phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức. Hội thảo đã quy tụ các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Australia và Việt Nam; về phía Trường ĐHCT có GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng tham dự.

GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp tại ĐBSCL, Trường ĐHCT và các tổ chức nghiên cứu khoa học về môi trường luôn chú trọng việc cải thiện, nâng cấp nguồn nhân lực, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học đất và biến đổi khí hậu hướng đến nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Đồng thời, Trường ĐHCT cũng đã tăng cường nghiên cứu và giảng dạy những ngành liên quan như: nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đất và công nghệ phân bón thuộc Khoa Khoa học Đất, Trường Nông nghiệp. Bên cạnh đó, Trường ĐHCT còn tăng cường ký kết hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước; nhiều dự án nghiên cứu đã và đang được triển khai với nguồn tài trợ từ các cơ quan, tổ chức, phát huy thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.”

Đến với Hội thảo, Cục Trồng trọt Việt Nam và Chương trình Nghiên cứu của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế về biến đổi Khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực ở Đông Nam Á đã báo cáo kết quả của nhiều dự án về thích ứng trong nông nghiệp được triển khai tại 5 vùng của Việt Nam, trong đó có vùng ĐBSCL, cụ thể gồm 04 lĩnh vực:

- Giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp.

- Ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học trong bối cảnh xâm nhập mặn.

- Thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp.

- Nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp trong tình trạng nhiễm mặn.

 
 

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Qua buổi Hội thảo, các chuyên gia đã có những trình bày về các nghiên cứu nhằm định hướng và tìm kiếm giải pháp dành riêng cho ĐBSCL như: vai trò của việc lựa chọn cây trồng Trong bối cảnh xâm nhập mặn, xu hướng lựa chọn việc làm của nguồn nhân lực trẻ trong nông nghiệp, an ninh thị trường trong hợp tác sản xuất ở ĐBSCL, nghiên cứu các tác động gây biến đổi khí hậu.

 

Các hoạt động trong Hội thảo

Hội thảo Quốc tế về độ nhiễm mặn của đất trong tương lai (International ACIAR Salinity Futures Symposium) là cơ hội để cung cấp cho nông dân và các nhà khoa học trong khu vực những kiến thức chuyên sâu, dự báo về biến đổi khí hậu của khu vực Đông Nam Á trong tương lai; giới thiệu các trang thiết bị cần thiết để giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trong canh tác và giúp các nhà khoa học xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên cho vùng ĐBSCL. Không những thế, chương trình còn là cơ hội để vận dụng, kết nối các hoạt động nghiên cứu; giáo dục và chuyển giao kiến thức khoa học đến các nhà lãnh đạo, nhà quản lý địa phương, quốc gia và khu vực; nhằm mục đích nâng cao khả năng thích ứng, phục hồi nông nghiệp ở các vùng bị ảnh hưởng bởi nhiễm mặn, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 117

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI