Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ tiếp Đoàn Giám sát Quốc hội

Ngày 01/3/2013, Đoàn Giám sát Quốc hội dẫn đầu là ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã đến làm việc với Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đảm bảo chất lượng, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Làm việc với đoàn công tác có PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên trách Khoa Sưu phạm, Phòng Đào tạo và Phòng Kế hoạch Tổng hợp.


Trường ĐHCT làm việc với Đoàn Giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đảm bảo chất lượng, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông


Mục tiêu chuyến công tác của Đoàn Giám sát nhằm lắng nghe báo cáo, thu thập ý kiến và đề xuất của Trường ĐHCT về quá trình đào tạo, thực hiện các chính sách, pháp luật trong hoạt động đào tạo, công tác đảm bảo chất lượng, các ý kiến đánh giá về chất lượng sách giáo khoa trong thời gian qua nhằm làm cơ sở giúp Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, ban hành các chính sách mới về giáo dục-đào tạo, thực hiện đổi mới sách giáo khoa sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển và đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ đức và tài phục vụ đất nước.


Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Khoa Sư phạm - Trường ĐHCT đã báo cáo tình hình thực hiện công tác của nhà trường về đào tạo giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong vùng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, những mặt tích cực cũng như những hạn chế và thiếu sót trong quá trình đào tạo, thực thi những chính sách về giáo dục, đồng thời
trình bày ý kiến đánh giá về nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều nỗ lực quan trọng, từng bước thực hiện công tác đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn lực con người với trình độ chuyên môn cao phục vụ sự phát triển đất nước. Những chủ trương và chính sách được thực hiện trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nền giáo dục nước nhà. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, trở ngại cần được giải quyết để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo trong thời gian tới. Trong buổi làm việc, đại diện cán bộ Trường ĐHCT đã tích cực và thẳng thắn nêu lên các vấn đề bất cập và đưa ra các ý kiến đóng góp thiết thực với mong muốn có được điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác của mình. Các ý kiến đóng góp nổi bật, trọng tâm về:

- Cần có chính sách đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác giáo dục để được an tâm công tác, chuyên tâm chăm lo đầu tư phát triển chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy và công tác phục vụ; chính sách đãi ngộ xứng đáng với năng lực của giáo viên; chính sách đãi ngộ kịp thời, động viên khích lệ cán bộ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, khen thưởng đúng người đúng việc; các chính sách hỗ trợ giúp các giáo viên ứng dụng các phương pháp mới,...

- Thực hiện chính sách thu hút học sinh giỏi học ngành sư phạm và thu hút cán bộ về công tác tại vùng sâu vùng xa: cần đảm bảo chính sách thu hút từ giai đoạn nhập học (đầu vào) và đảm bảo điều kiện công tác (đầu ra), đảm bảo chất lượng cuộc sống sau khi ra trường, có chính sách ưu tiên luân chuyển, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trong quá trình công tác,...

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở-ngành quản lý giáo dục, các trường học các cấp với các trường đào tạo giáo viên nhằm tạo điều kiện cọ sát tình hình thực tế của các trường và nhận dạng những khó khăn tồn tại, từ đó nghiên cứu tìm ra giải pháp hỗ trợ giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời giúp sinh viên ngành sư phạm tiếp cận thực tế trước khi ra trường, ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới cho phù hợp,…

- Sự hỗ trợ về mặt tài chính cho việc nghiên cứu, thực tập, tham quan thực tế, các chính sách hỗ trợ giúp các giáo viên ứng dụng các phương pháp mới,... nhằm gắn kết công tác giáo dục-đào tạo với thực tiễn “Học đi đôi với hành”;

- Đảm bảo tính hợp lý, vừa sức và lôgic về nội dung chương trình giảng dạy và tính liên kết chặt chẽ về nội dung ở các cấp học, tránh gây ra quá tải chương trình giảng dạy và không đủ thời gian để học sinh tiếp thu một cách hiệu quả, đồng thời kết hợp thực hiện tốt dạy chữ và dạy người, dạy kỹ năng xã hội hay giáo dục đạo đức lối sống cho các em;

- Sự thống nhất khung chương trình chuẩn kiến thức chung cho toàn bộ học sinh các vùng miền, khu vực, lượng kiến thức cần đảm bảo công bằng cho các em với lượng kiến thức như nhau; tuy nhiên, tùy theo điều kiện vùng-miền khác nhau cần có các chính sách giảng dạy hỗ trợ và phương pháp giảng dạy phù hợp để các em có thể tiếp thu tốt được các kiến thức chung;

- Cần điều chỉnh thời lượng giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của từng chuyên ngành; bổ sung các học phần cần thiết cho ngành đào tạo, đặc biệt là các học phần về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng giao tiếp sư phạm,…

- Các phương pháp, nội dung đánh giá cần được đổi mới phù hợp, sao cho kết hợp những quy định vừa đánh giá năng lực tri thức lẫn kỹ năng;

- Cần giúp giáo viên thay đổi quan điểm về dạy học, kết hợp giảng dạy kỹ năng xã hội, giáo dục đạo đức lối sống, dành thời thời gian truyền tải cho các em ý nghĩa của bài học, giúp các em hiểu về mục tiêu, ý nghĩa bài học đối với cuộc sống; tránh nặng về kiến thức sách vở, nhồi nhét kiến thức; bênh cạnh đó, cần tạo cho các em niềm đam mê, yêu thích môn học, cùng với nhiệt huyết của người thầy sẽ giúp các em tiếp thu tốt kiến thức;

- Cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các giáo viên, cán bộ ngành giáo dục các cấp được tham gia các khóa tập huấn công tác chuyên môn, cập nhật phương pháp mới để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác;

- Việc biên soạn sách giáo khoa cần có sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm giảng dạy ở các trường trong Ban biên soạn, tiếp thu ý kiến đóng góp của các giáo viên để biên soạn nội dung phù hợp với trình độ của học sinh, tránh quá tải về nội dung kiến thức; tôn trọng ý kiến đóng góp của các giáo viên trong quá trình biên soạn, tránh quá muộn khi biên soạn xong mới lấy ý kiến giáo viên;

- Ban thẩm định sách giáo khoa cần hoạt động độc lập với Ban biên soạn, có sự tham gia đánh giá của các giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự phù hợp của nội dung theo từng cấp học, đảm bảo tính liên kết, thống nhất của kiến thức ở toàn bộ các cấp học;

- Vai trò đào tạo giáo viên tiểu học ở bậc đại học cũng đóng vai rất quan trọng. Giáo viên tiểu học cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là tâm lý ứng xử với trẻ nhỏ là rất quan trọng. Ngay từ cấp bậc tiểu học, kiến thức và kỹ năng chuyên môn cùng với đạo đức, tác phong, phương pháp truyền đạt của người giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của các em.


Với những ý kiến tâm huyết đã đề xuất, cán bộ Trường ĐHCT mong muốn đóng góp thiết thực vào công tác đổi mới chính sách của Đảng và nhà nước đối với ngành giáo dục. Đội ngũ cán bộ ngành sư phạm mong muốn có những điều kiện thuận lợi hơn để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà, mong muốn nhận được sự đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.


(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)
 

Lượt xem: 1328

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI