Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Phiên họp Ban Điều phối chung lần thứ hai của Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật pha 2

Sáng ngày 01/11/2023, Trường ĐHCT tổ chức họp Ban Điều phối chung (Joint Coordinating Committee - JCC) lần thứ 2 của dự án Hỗ trợ Kỹ thuật pha 2 (Technical Cooperation phase 2 - TC2). Tham dự chương trình, về phía Trường ĐHCT có GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Minh Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA Trường ĐHCT; PGS.TS. Lê Việt Dũng, Cố vấn Dự án. Về phía JICA Việt Nam, có GS. Tanaka Yuji, Cố vấn trưởng Dự án TC2; ông Kubo Yoshitomo, Đại diện cấp cao văn phòng JICA Việt Nam; ông Tsuchimoto Amane và bà Nakamaru Mai, Đại diện JICA Việt Nam và bà Trần Thị Ngọc Anh, cán bộ chương trình của JICA Việt Nam, cùng sự tham gia của Đại diện JICA Tokyo, và các thành viên thuộc Ban Điều phối bằng hình thức trực tuyến.

 Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành

Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS. Trần Ngọc Hải gửi lời cảm ơn đến JICA vì đã luôn đồng hành và hỗ trợ Trường ĐHCT trong các hoạt động về chuyển giao công nghệ và phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng cũng trình bày tổng hợp các dự án hợp tác giữa Trường ĐHCT và JICA đã và đang được thực hiện trong thời gian qua.

GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu tại sự kiện, GS. Tanaka Yuji ghi nhận những nỗ lực và thành tựu đạt được của Trường ĐHCT thông qua các chương trình hợp tác với JICA, đánh giá cao tình hữu nghị và tinh thần hợp tác của Trường ĐHCT trong quá trình thực hiện các dự án, tạo nên một môi trường hợp tác hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

GS. Tanaka Yuji phát biểu

Tại chương trình, PGS.TS. Phạm Minh Đức đã trình bày những thành tựu đạt được của dự án trong thời gian qua. Cụ thể, 4 viên chức nhà trường đã được cấp học bổng tiến sĩ từ nguồn Học bổng Đồng Sáng tạo Tri Thức của JICA. Đồng thời, 9 sinh viên và 1 giảng viên đã được hỗ trợ tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn theo chương trình Sakura Science Exchange Program. Mười hai mô hình nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và công nghệ nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu đã được triển khai đúng tiến độ và mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Thêm vào đó, trong năm 2022 và 2023 Diễn đàn SDMD 2045 được tổ chức với các chủ đề xoay quanh những vấn đề được quan tâm tại ĐBSCL, thu hút nhiều đối tác mới hợp tác với Trường.

PGS.TS. Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường ĐHCT báo cáo về tiến trình mở chuyên ngành Kỹ thuật Nông nghiệp thông minh trình độ thạc sĩ với sự hỗ trợ của hội đồng JSUC; chương trình được dự kiến khai giảng khóa đầu vào năm 2024.

PGS.TS. Hứa Thái Nhân, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế trình bày về tầm quan trọng của việc thực hiện hoạt động giám sát đánh giá dự án. Qua đó, cho thấy được bức tranh tổng thể nhằm để đạt được mục tiêu tổng thể và kết quả đầu ra của dự án đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thông qua việc xác lập các chỉ số đánh giá của dự án. Một trong những chỉ số đánh giá quan trọng của dự án là danh tiếng của Trường trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, và phục vụ cộng đồng; kết quả khảo sát ban đầu từ các bên liên quan (Cơ quan, ban, ngành địa phương, và doanh nghiệp) cho thấy Nhà trường được đánh cao (hơn 90% đồng ý) về năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

PGS.TS. Hứa Thái Nhân báo cáo hoạt động khảo sát của Trường

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đặt câu hỏi và cùng thảo luận về các vấn đề đã được trình bày trong báo cáo nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu và phù hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh và vướng mắc của dự án trong thời gian tới. GS. Arie Tsutomu, Trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của 9 trường đối tác Nhật Bản đã phát biểu khẳng định vai trò và vị thế của Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) về đa dạng sinh học cũng như sản xuất lương thực cho cả nước Việt Nam và thế giới. GS. Arie đánh giá cao sự phối hợp giữa các nhà khoa học của trường Đại học Cần Thơ và các Giáo sư của các trường Nhật Bản trong việc nghiên cứu các giải pháp thích ứng Biến đổi khí hậu và khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu tận dụng tối đa các thế mạnh của ĐBSCL. GS. Arie đánh giá cao việc xây dựng chuyên ngành Kỹ thuật Nông nghiệp thông minh bậc Thạc sĩ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL. Ông hy vọng chương trình đào tạo này sẽ thu hút người học cả trong và ngoài nước.

 
 

 Các đại biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại chương trình, ông Kubo Yoshitomo, Đại diện cấp cao văn phòng JICA Việt Nam, khẳng định phiên họp là dịp rất ý nghĩa để đánh giá tiến độ triển khai dự án. Ông cũng bày tỏ sự đánh giá cao việc xác lập rõ các chỉ số đánh giá của Dự án. Ông hy vọng các viên chức được đào tạo tiến sĩ tại Nhật Bản trong khuôn khổ Học bổng Đồng Sáng tạo Tri Thức của JICA sẽ tiếp tục tăng cường mối hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như các học viên từ các chương trình thạc sĩ trong khuôn khổ Dự án sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả ĐBSCL cũng như cả nước. Ông đánh giá tiến độ triển khai của 12 mô hình nghiên cứu và rất ấn tượng trước ý chí cũng như sự tận tụy của các nhà nghiên cứu trường Đại học Cần Thơ. Ông bày tỏ hy vọng sản phẩm công nghệ cao của các mô hình sẽ sớm có mặt trên thị trường. Ông rất mong được tham gia hội nghị chuyên đề quốc tế sẽ diễn ra nhân dịp SDMD 2024. Ông đánh giá cao việc ĐHCT đã thiết lập mạng lưới hợp tác thông qua diễn đàn SDMD 2045. Ông bày tỏ lòng biết ơn vì sự tham gia của Trường ĐHCT trong lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, và sự hỗ trợ của Trường ĐHCT đối với công tác truyền thông của Văn phòng JICA tổ chức vào tháng 9/2023. Đây là cơ hội quý giá cho các phóng viên truyền thông cũng như cán bộ JICA hiểu hơn về Dự án và kết quả đầu ra mô hình của dự án. Cuối cùng, ông bày tỏ vinh dự vì JICA được trở thành đối tác tin cậy của CTU trong hơn nửa thế kỷ và mong muốn sự hợp tác giữa JICA và Nhà Trường sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trên nền tảng các cơ sở vật chất công nghệ cao được đầu tư trong Dự án Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ và kỳ vọng trường Đại học Cần Thơ sẽ là trung tâm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc phiên họp, GS.TS. Trần Ngọc Hải cam kết sẽ tận dụng mọi nguồn lực và góp phần đưa ra chiến lược phát triển phù hợp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng mong muốn Trường ĐHCT và các đối tác Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ, hướng tới sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

 

Ảnh lưu niệm tại chương trình

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 237

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI