Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo "Quản lý tưới nước trong tình hình hạn, mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long"

Ngày 27/01/2021, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo Quản lý tưới nước trong tình hình hạn, mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành; công ty, doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL. Về phía Trường ĐHCT có đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên cùng tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo "Quản lý tưới nước trong tình hình hạn, mặn ở vùng ĐBSCL" tại Hội trường 4, Nhà điều hành, Trường ĐHCT


Trong những năm gần đây, tình hình hạn, mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến sản lượng và chất lượng nông sản vùng ĐBSCL. Theo số liệu thống kê, hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 đã xảy ra nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2016 với ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57 km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm tới 24 km. Vào tháng 1/2020, xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng, lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66 km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17 km. Vào tháng 2/2020, ranh mặn 4g/lít lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110 km. Tháng 5/2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4g/lít sâu khoảng 130 km trên sông Vàm Cỏ Tây và giảm độ mặn vào tháng 6. Hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 42.000 ha lúa Đông Xuân, trong đó mất trắng 26.000 ha. Trên đất lúa-tôm, hạn mặn đã làm cho khoảng 16.500 ha lúa mùa ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, trong đó mất trắng là 14.000 ha. Đối với cây ăn trái, hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 11.000 ha bị thiệt hại trên 70%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Trong mùa khô 2020-2021, theo nhận định của Tổng cục Thủy Lợi về tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp thì trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực vẫn có khả năng thiếu hụt khoảng 5-15%. Với ghi nhận về lượng mưa và dòng chảy trên lưu vực sông Cửu Long, năm 2021 được dự báo thiếu nước, tuy nhiên xâm nhập mặn nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội thảo


Hội thảo Quản lý tưới nước trong tình hình hạn, mặn ở vùng ĐBSCL được tổ chức nhằm trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả từ các công trình nghiên cứu giữa các nhà khoa học từ các viện, trường và các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý nông nghiệp ở các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Tại đây, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL và giải pháp ứng phó với hạn, mặn; quản lý nước trong phòng, chống hạn, mặn ở ĐBSCL; cơ sở quản lý nước hiệu quả cho cây trồng điều kiện hạn mặn; mô phỏng năng suất cây trồng dựa trên nhu cầu nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu; tưới nước cho cây ăn trái trong điều kiện mặn; phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn mặn.

Tin rằng các giải pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nước tưới cho canh tác nông nghiệp được trình bày và thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ thích ứng, giảm nhẹ thiên tai gây ra do hạn, mặn; góp phần duy trì sự bền vững của nền nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, báo cáo tình hình hạn mặn ở ĐBSCL và giải pháp ứng phó

 

GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Nguyên trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường ĐHCT, trình bày về quản lý nước trong phòng chống hạn, mặn ở ĐBSCL

 

GS.TS. Lê Văn Hòa, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường ĐHCT, trình bày nội dung cơ sở quản lý nước tưới hiệu quả cho cây trồng trong điều kiện hạn mặn

 

GS.TS. Nguyễn Văn Thu, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, với nội dung phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn mặn

 


(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Khoa Nông nghiệp)

 

 

Lượt xem: 1780

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI