Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”

Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ và hội nhập hiệu quả hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục. Trong đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29-NQ/TW được ban hành ngày 04/11/2013. Nhằm thảo luận về vấn đề tự chủ và nguồn lực đầu tư cho tự chủ trong giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, sáng ngày 12/5/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.  

 

 Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường 4, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường 4, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT và bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm zoom. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các nhà quản lý và nhà khoa học từ các cơ quan ban ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo các cấp trong cả nước.

TS. Nguyễn Đình Hảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức báo cáo đề dẫn Hội thảo giúp đại biểu có cái nhìn bao quát về vấn đề tự chủ và nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT chia sẻ Hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và thách thức. Vấn đề Tự chủ là yêu cầu và xu thế tất yếu của các trường đại học trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, với mục tiêu cơ bản là tìm kiếm, đa dạng hóa và gia tăng nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các hoạt động khác của cơ sở để phát triển. Trong đó, nguồn lực con người, nguồn lực ý tưởng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ “Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Giáo dục đại học có vai trò quan trọng, đầu tư cho GDĐH là đầu tư cho phát triển, cần có đầu tư tương xứng. Trong thời gian tới, GDĐH cần tăng khả năng tiếp cận, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành nghề, giữa các trình độ đào tạo, cũng như tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống. Điểm nghẽn trong GDĐH là khơi thông nguồn lực, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài chính. Thứ trưởng kỳ vọng Hội thảo sẽ có tiếng nói khách quan khoa học phản ánh đầy đủ toàn diện đi sâu những vấn đề trọng tâm trong việc phát huy sử dụng tối ưu nguồn lực của GDĐH để có những tiếng nói chung để đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước cùng với xã hội để làm sao GDĐH thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển đất nước trong những năm tới.

PGS. TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ ý kiến về kỳ vọng kết quả tích cực của Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 100 tham luận khoa học của các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Các báo cáo tập trung vào một số vấn đề cấp bách và thiết thực như: Cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho GDĐH trong bối cảnh tự chủ; Đầu tư cho GDĐH là đầu tư phát triển: Vai trò của Nhà nước về nguồn lực cho GDĐH; Nguồn lực con người, nguồn lực ý tưởng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính cho GDĐH trong bối cảnh tự chủ; Quyền tự chủ đại học và Nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển GDĐH ngoài công lập trong thị trường dịch vụ GDĐH; Triển khai mô hình PPP (Public and Private Partner) trong GDĐH: Cơ hội, thách thức và rào cản; Tăng cường hợp tác quốc tế trong GDĐH;...

Tại Hội thảo, có 8 báo cáo được chọn trình bày tham luận tại 4 phiên với nội dung tập trung vào các vấn đề như: Thực trạng và giải pháp đầu tư cho GDĐH Việt Nam, Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt nam gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, Tác nhân thúc đẩy đổi mới GDĐH trong thời đại 4.0, Nguồn lực công nghệ cho GDĐH trong bối cảnh tự chủ, Hợp tác quốc tế - những kết quả bước đầu trong đào tạo và định hướng việc làm, Nguồn lực đầu tư về khoa học mở cho GDĐH trong bối cảnh tự chủ,…

Chủ tọa phiên thứ nhất của Hội thảo

Các đại biểu trình bày tham luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 
 
 
 

Hội thảo đã chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về nguồn lực đầu tư cho chuyên môn, học thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ sở vật chất trang thiết bị, hợp tác quốc tế, truyền thông; cũng như các cơ chế, chính sách thuế, thủ tục, quy định,…gây cản trở trong quá trình phát triển của các trường trong điều kiện tự chủ đại học. Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các nhà khoa học cùng tìm hiểu, đối sánh với các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới về đầu tư và khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhằm giúp cho các cơ sở giáo dục đại học có biện pháp và hướng đi đúng để phát triển bền vững. Với sự tích cực trao đổi, thảo luận và kết nối các bên, Hội thảo đã đóng góp nhiều sáng kiến, mô hình được chia sẻ để các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu, tham khảo, từ đó xúc tiến hợp tác, góp phần đạt nhiều thành quả trong tiến trình tự chủ đại học.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 1294

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI