Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo Đầu tư và Phát triển Thị trường Nông sản và Du lịch Nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 28/9/2022, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) - Văn phòng Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long". Hội thảo có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đại diện các sở ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đức và Indonesia.

Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường 101 Khoa Kinh tế, Trường ĐHCT

ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đây không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trái cây lớn nhất nước mà còn là vùng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có nhiều tiềm năng và nguồn lực để thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của vùng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, rủi ro do biến động của thị trường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường nông sản của vùng cũng như gắn với phát triển du lịch nông thôn trước những rủi ro trên là vấn đề được các nhà quản lý và khoa học quan tâm.

Hội thảo đã tạo cơ hội để các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học có cơ hội trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản cũng như du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tận dụng những thế mạnh vốn có, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững cho vùng.

GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu

TS. Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Cần Thơ, tặng quà lưu niệm đến Tổ chức FNF

PGS.TS. Lê Khương Ninh, Trưởng Khoa Kinh tế, thay mặt Ban Tổ chức tặng hoa đến các đại biểu

Hội thảo đã diễn ra với phiên toàn thể và trong đó có 4 báo chính được trình bày và 3 phiên hội thảo chuyên đề, trong đó có 15 báo cáo được trình bày, nội dung của Hội thảo xoay quanh: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU và sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long; Vai trò của đồng bằng sông Cửu Long đối với chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Vai trò của khoảng cách văn hóa đối với lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN: Mô hình trọng lực; Đầu tư và phát triển thị trường nông sản; Sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững; Phát triển du lịch nông thôn.

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia FNF, trình bày báo cáo chính về: Từ Cần Thơ đến Đức - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU và sản phẩm nông nghiệp (From Can Tho to Germany: EVFTA and Agricultural Products)

PGS.TS. Lê Khương Ninh báo cáo về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hội thảo đã rút kết kinh nghiệm, bài học của các nước trong việc phát triển thị trường nông sản bền vững và du lịch nông thôn; xác định xu hướng phát triển nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều khuyến nghị chính sách được đề xuất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Hội thảo mở ra cơ hội để doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ và doanh nghiệp tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng đầu tư hợp tác, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

 
 
 

Các dại biểu thảo luận tại Hội thảo

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 725

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI