Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy của ao cá tra”

Ngày 18/4/2012, tại Hội trường Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy của ao cá tra”. Thành phần tham dự Hội thảo phía Trường ĐHCT gồm PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản; cán bộ Khoa phụ trách nghiên cứu các chương trình liên quan đến việc xử lý và ứng dụng bùn đáy ao cá tra và một số cán bộ chuyên trách. Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp cán bộ nghiên cứu đang công tác tại Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Kasetart – Băng Cốc, Thái Lan; lãnh đạo Trạm Thủy sản Huyện Thanh Bình cùng một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp; đại diện lãnh đạo Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và đại diện quản lý nông sản Công ty Nam Vang Tỉnh Vĩnh Long cùng đến chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến thảo luận về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao.
 

Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy của ao cá tra” tại Hội trường Khoa Thủy sản – Trường ĐHCT

 

Trong tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới, các ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng cũng đã đạt được những thuận lợi nhất định nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là về đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc thâm nhập sản phẩm thủy sản của nước ta ra thị trường thế giới đã tạo được cơ hội tốt cho sự phát triển của thủy sản Việt Nam nhưng yêu cầu của thị trường thế giới ngày một khắt khe, đặc biệt là thị trường Châu Âu. Trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế biến thủy sản được xem là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu quyết định uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam. Đây là một vấn đề hết sức cấp bách đòi hỏi các nhà nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực thủy sản phải tích cực nỗ lực để tìm ra giải pháp.
 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản Trường ĐHCT giới thiệu chung về Dự án SEAT và mục đích tổ chức Hội thảo

 

Hội thảo “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao cá tra” trong khuôn khổ Dự án SEAT (Sustainable Ethical Aquaculture and Trade – Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại) do Khoa Thủy sản Trường ĐHCT tổ chức, bước đầu đã tìm ra định hướng cho việc xử lý bùn đáy ao nhằm hạn chế tác động xấu của việc thải bùn từ ao nuôi thủy sản ra môi trường: phương pháp tận dụng bùn đáy ao làm phân bón hỗ trợ sản xuất hoa màu, cây ăn quả. Theo báo cáo kết quả một số nghiên cứu tại Hội thảo, việc sử dụng bùn đáy ao nuôi thủy sản góp phần làm giảm chi phí phân bón hóa học cho việc trồng hoa màu và cây ăn quả nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao và tăng lợi nhuận. Một số nghiên cứu khác về việc tái chế bùn đáy ao thành phân bón dạng hạt hay dạng bột nhằm cân bằng thành phần dinh dưỡng trong bùn, dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng thay thế phân hóa học; nghiên cứu ứng dụng mô hình ủ bùn làm phân bón thay thế phân hóa học của các chuyên gia nước ngoài thực hiện thí nghiệm tại Trường Đại học Đà Lạt. Theo kinh nghiệm sản xuất thực tiễn của một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng bùn làm phân bón cho ớt, bắp, nhãn v.v. giúp giảm chí phí mua phân hóa học nhưng vẫn đảm bảo năng suất và thu được lợi nhuận cao hơn.

 

Hội thảo đã mở ra hướng đi nhưng cũng đặt ra cho các nhà nghiên cứu những thách thức mới:

 - Các giải pháp nào có thể làm giảm lượng nước tồn động trong bùn giúp việc hút bùn đáy ao gặp thuận lợi, đồng thời dễ sử dụng bùn trong trồng trọt cũng như tái chế hay ủ bùn làm tăng dinh dưỡng cho cây trồng.

 - Nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm mô hình lọc bùn và ủ phân từ bùn, hiệu quả kinh tế của mô hình này cho người nuôi thủy sản và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt từ việc ứng dụng phân ủ bùn.

Tại Hội thảo, các cán bộ nghiên cứu về về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình

 

Một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp cũng được mời đến chia sẻ hiệu quả thực tế sử dụng bùn trong trồng hoa màu và cây ăn quả và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Ông Paul Olivier, cán bộ nghiên cứu tại Trường Đại học Đà Lạt đến dự Hội thảo và chia sẻ mô hình tái chế bùn, ủ bùn làm phân bón



(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)

Lượt xem: 808

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI