Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới về phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam

Ngày 25/3/2014, Trung tâm Học liệu - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) đã tổ chức buổi hội thảo trình bày Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 về “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”. Tham dự buổi hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn vị và sinh viên của Trường. Về phía WB, bà Võ Kim Dung, Chuyên gia giáo dục cao cấp của WB và các chuyên viên chuyên trách đã đến chia sẻ thông tin tại Hội thảo.


Tại Hội thảo, bà Võ Kim Dung, Chuyên gia cao cấp WB đã chia sẻ báo cáo về kết quả nghiên cứu, tổng hợp của WB về quá trình đổi mới, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam song hành với việc phát triển, đổi mới giáo dục và vai trò của giáo dục qua các thời kỳ. Qua đó, các kết quả nghiên cứu của WB cũng được trình bày về xu hướng của thị trường lao động, vai trò của giáo dục trên thị trường lao động; về nhu cầu kỹ năng cho một nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam; phản hồi của doanh nghiệp, doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nói gì về trình độ và kỹ năng lực lượng lao động Việt Nam hiện nay và nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn lực lao động trong tương lai. Theo đó cho thấy rằng, việc chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện đại là rất quan trọng. Những công việc mới ra đời và nhu cầu về kỹ năng cũng đã thay đổi. Theo WB, phân loại nhóm kỹ năng của lực lượng lao động được chi thành 03 nhóm: (1) kỹ năng nhận thức, (2) kỹ năng xã hội và hành vi và (3) kỹ năng kỹ thuật. Nguồn nhân lực tại Việt Nam cần được trang bị đầy đủ 03 loại kỹ năng này thông qua toàn bộ hệ thống giáo dục các cấp, qua đó phản ánh chất lượng đào tạo đầu ra của ngành giáo dục về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết của một lực lượng lao động hiện đại hướng đến sự phát triển bền vững của một quốc gia.


Hội thảo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới về phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường ĐHCT


Xét về mức độ quan trọng của các kỹ năng, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cho rằng, những kỹ năng kỹ thuật là rất cần thiết cho một công việc cụ thể nào đó. Nhưng điều không kém quan trọng hơn đó là những nhóm kỹ năng “mềm”, kỹ năng nhận thức và giải quyết vấn đề mà lực lượng lao động có được qua quá trình tích lũy, rèn luyện lâu dài, khả năng thích ứng với môi trường mới và những sự thay đổi trong tương lai, khả năng tự học, học tập suốt đời; bản thân lực lượng lao động có trách nhiệm đối với việc học tập và rèn luyện của bản thân mình. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, lực lượng lao động hiện nay còn thiếu về kỹ năng (mức động hài lòng của các doanh nghiệp đối với lực lượng lao động hiện tại là khoảng 40-60%). Các doanh nghiệp khẳng định rằng, kỹ năng kỹ thuật cụ thể có thể được đào tạo tại doanh nghiệp trong một thời gian ngắn nếu lực lượng lao động đã có được những kỹ năng nhận thức và kỹ năng thích ứng cần thiết. Do đó, ngoài việc hướng dẫn những kỹ năng kỹ thuật đối với một ngành nghề nào đó, việc rèn luyện cho người học khả năng tư duy, tư duy phản biện, rèn luyện kỹ năng nhận thức và hành vi là rất quan trọng.


Điều đó đặt ra thách thức đối với ngành giáo dục Việt Nam là làm thế nào để phát triển lực lượng lao động đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mới của quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện đại, làm thế nào để lực lượng lao động Việt Nam hiện đại có thể thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế xã hội Việt Nam sánh vai với các nước bạn trong khu vực và quốc tế. Từ đó, vai trò của giảng viên, giáo viên, những người làm công tác giáo dục cần được nâng tầm để hỗ trợ người học phát triển những kỹ năng, kiến thức cần thiết theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phát triển đất nước trước thời kỳ hội nhập. Điều đó cũng đặt vấn đề về sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp để công tác đào tạo nguồn nhân lực thật sự đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Đối với bản người học cần phải có ý thức trách nhiệm đối với việc học tập và rèn luyện của bản thân mình, không ngừng tự học và tự rèn luyện để thích ứng với mọi điều kiện thay đổi, để hòa nhịp và vững bước phát triển trong môi trường làm việc tương lai.


Ngân hàng Thế giới cũng thông tin về một số dự án viện trợ vốn vay thực hiện thí điểm cải cách giáo dục tại Việt Nam, và qua đó đã có những kiến nghị góp phần thay đổi về mặt chính sách giáo dục của Việt Nam. Các nội dung liên quan đến các lĩnh vực khác trong Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014 cũng đã được thông tin tại trang thông tin điện tử (website) của WB.
 

Bà Võ Kim Dung, Chuyên gia giáo dục cao cấp của WB chia sẻ thông tin về Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 về “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”

 

Sinh viên trao đổi tại Hội thảo


(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)

Lượt xem: 5805

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI