Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Báo cáo nghiệm thu cơ sở Đề tài “Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại Thành phố Cần Thơ”

Ngày 25/6/2013, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tiến hành báo cáo với Hội đồng đánh giá nghiệm thu cơ sở đề tài “Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại Thành phố Cần Thơ”, đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh do PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT làm chủ nhiệm Đề tài, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 01/2012-06/2013. 

Nội dung được triển khai thực hiện Đề tài gồm: (1) tổng hợp cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm phát triển vườn ươm doanh nghiệp trên thế giới và trong nước qua việc tìm hiểu sự phát triển của các mô hình vườn ươm và tổng kết một số mô hình vườn ươm trong các trường đại học; (2) khảo sát và đánh giá nhu cầu tham gia ươm tạo của các doanh nghiệp và khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo; (3) thiết kế mô hình tổ chức điều hành hoạt động của Trung tâm ươm tạo và xây dựng kế hoạch hoạt động của Trung tâm; và (4) thành lập và đưa vào hoạt động thử nghiệm Trung tâm ươm tạo để đúc kết kinh nghiệm chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của dự án phát triển doanh nghiệp ươm tạo.

Buổi báo cáo nghiệm thu cơ sở Đề tài “Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại Thành phố Cần Thơ”


Hoạt động của các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ (Technology Business Incubator, TIB) được xác định là hỗ trợ các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, lãnh đạo TP. Cần Thơ rất quan tâm tìm hiểu nhu cầu ươm tạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tại TP. Cần Thơ nói riêng đang gặp những vấn đề khó khăn nhất định cần được tư vấn hỗ trợ. Việc thành lập trung tâm ươm tạo doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL sẽ góp phần hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, tạo việc làm và giải quyết vấn đề lao động cho vùng.

Đối với Trường ĐHCT, việc thành lập Trung tâm ươm tạo công nghệ của Trường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc phát triển các ý tưởng sáng tạo của giảng viên, sinh viên; từng bước tiến hành ươm tạo các sản phẩm nghiên cứu khoa học sẵn có của Trường, đưa các sản phẩm này vào thực tế hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường, đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh phát triển công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là ươm tạo công nghệ dựa trên những lợi thế sẵn có và những nỗ lực quan trọng của toàn thể nhà trường.

Do đó, Trường ĐHCT rất chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tế đời sống, khuyến khích cán bộ và sinh viên mạnh dạn phát huy các ý tưởng sáng tạo và có chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ cán bộ và sinh viên tham gia để phát triển bản thân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của nhà trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Sắp tới, Trường ĐHCT sẽ mở rộng xây dựng mạng lưới hợp tác, liên kết với các trường đại học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ để hoạt động này đạt hiệu quả.

(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)
 

Lượt xem: 2373

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI