Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu, phát triển và kinh doanh”

Trong hai ngày 25–26/6/2025, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) và các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu, phát triển và kinh doanh”. Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi hỗ trợ triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, nhằm mục đích tạo diễn đàn để trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp giữa các cơ quan quản lý, viện trường, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hợp tác xã, hướng đến mục tiêu chuyển đổi toàn diện hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tổ chức phát triển quốc tế như Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (International Fund for Agricultural Development - IFAD), Tổ chức Liên minh Đa Dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (Chartered Institute of Architectural Technologists - CIAT), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit - GIZ), Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (International Rice Research Institute - IRRI) cùng các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Toàn cảnh sự kiện

Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhấn mạnh vai trò của Nhà trường trong việc đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương và tổ chức quốc tế trong quá trình chuyển đổi ngành hàng lúa gạo. Phó Hiệu trưởng cho biết: “Trường Đại học Cần Thơ luôn nỗ lực phát huy thế mạnh về nghiên cứu, đào tạo và kết nối tri thức để góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo hôm nay là dịp để các bên cùng trao đổi, hợp tác và thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi mang tính thực tiễn cao.”

GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu chào mừng tại sự kiện

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Kinh tế và Phát triển Nông thôn, khẳng định việc chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế và yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe. Bà đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo và kỳ vọng sự kiện sẽ mở ra nhiều gợi ý quan trọng, góp phần triển khai hiệu quả Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Bà Huỳnh Kim Định phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu tại hội thảo, bà Viviane Filippi, đại diện Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), chia sẻ kinh nghiệm từ các chương trình hợp tác quốc tế và khẳng định tầm quan trọng của tài chính nông nghiệp bao trùm. Bà nhấn mạnh: “Chuyển đổi nông nghiệp thành công không chỉ cần đổi mới công nghệ mà còn cần cơ chế tài chính phù hợp và sự đồng hành của nông dân. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các đối tác Việt Nam, trong đó có Trường ĐHCT, trong việc thực hiện các chương trình phát triển bền vững, tạo tác động lâu dài cho cộng đồng.”

Bà Viviane Filippi phát biểu chia sẻ tại sự kiện

TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, trường ĐHCT giới thiệu về mục tiêu và chương trình hội thảo

Trong phiên sáng ngày 25/6, Hội thảo đã trình bày bốn chuyên đề trọng tâm xoay quanh định hướng chiến lược phát triển ngành lúa gạo vùng ĐBSCL. Các nội dung bao gồm bối cảnh và chiến lược ngành lúa gạo Việt Nam, chính sách chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, mô hình sản xuất lúa thích ứng và giải pháp tài chính từ các tổ chức quốc tế. Những chia sẻ từ đại diện Bộ Nông nghiệp, các viện nghiên cứu và tổ chức IFAD đã mang đến góc nhìn đa chiều, gợi mở hướng phát triển bền vững cho ngành hàng chủ lực này.

Sáng cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận chuyên sâu theo bốn chủ đề: giải pháp chuyển đổi và lộ trình thực hiện; ứng dụng công nghệ số và đầu tư tài chính; chính sách và tăng cường năng lực; thử nghiệm và mở rộng mô hình kinh doanh bao trùm. Các tổ thảo luận đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, làm rõ vai trò của đổi mới sáng tạo, hợp tác đa ngành và cơ chế hỗ trợ trong quá trình chuyển dịch hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL.

Ngày làm việc thứ hai (26/6) tập trung vào trao đổi ý tưởng chiến lược và xây dựng lộ trình hành động. Buổi chiều, đại biểu đã tham quan thực địa tại Hợp tác xã nông nghiệp Kiến Thành (Hậu Giang) để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa thích ứng và thực hành nông nghiệp bền vững. Tại đây, đại biểu được trực tiếp trò chuyện với nông dân, tìm hiểu cách tổ chức sản xuất theo hướng bền vững và chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tế.

Các đại biểu tham gia thảo luận chuyên sâu

Các đại biểu trao đổi về các ý tưởng và tham quan thực địa

Thành công của hội thảo tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác đa ngành, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng phát triển xanh, thông minh và bao trùm. Đây cũng là dịp để Trường ĐHCT khẳng định vai trò đầu tàu nghiên cứu, đào tạo và kết nối tri thức phục vụ phát triển bền vững khu vực.

Ảnh tập thể

(Ban Biên tập Website)

Lượt xem: 2

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI