Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ kết nối địa phương vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Sáng ngày 27/9/2024, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) tổ chức Tọa đàm "Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững". Tham dự chương trình có Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; đại diện lãnh các sở, ban, ngành các tỉnh, thành; các viện, trường vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Về phía Trường ĐHCT, có PGS. TS. Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

 Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm được Trường ĐHCT tổ chức nhằm mục tiêu chia sẻ những thông tin đã và đang nghiên cứu, những nội dung đổi mới sáng tạo. Tọa đàm cũng là cầu nối trao đổi giữa các chuyên gia, cơ quan quản lý và những nhà khoa học với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.

PGS. TS. Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS. Châu Minh Khôi chia sẻ, nền nông nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước hiện nay đang phải đối mặt với nhiều tác động đến từ nhiều tác nhân khác nhau, để làm giảm những ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp chúng ta phải áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại buổi Tọa đàm, các tham luận đến từ các chuyên gia sẽ gợi ý cho chúng ta nhiều cách tiếp cận góp phần làm tăng năng suất canh tác, đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện phương pháp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và tăng cường khả năng phục hồi trong nông nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình, có 5 tham luận được trình bày xoay quanh các chủ đề: tổng quan về tình hình phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực cho các giải pháp thuận thiên; tăng trưởng xanh và sản xuất lúa ở ĐBSCL; giảm phát thải khí nhà kính: thách thức và cơ hội trong phát triển chăn nuôi bền vững; kiểm soát dịch bệnh động vật theo hướng an toàn sinh học và nông nghiệp tuần hoàn; định hướng phát triển gắn kết nông nghiệp bền vững.

Ông Lê Thanh Tùng tham luận với chủ đề “Tổng quan về tình hình phát triển của khu vực ĐBSCL và nhu cầu nguồn lực cho các giải pháp thuận thiên”

GS. TS. Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tham luận với chủ đề “Tăng trưởng xanh và sản xuất lúa ở ĐBSCL”

GS. TS. Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp tham luận với chủ đề “Giảm phát thải khí nhà kính: Thách thức và cơ hội trong phát triển chăn nuôi”

TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục Trưởng phụ trách, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang tham luận với chủ đề “Kiểm soát dịch bệnh động vật theo hướng an toàn sinh học và nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng chuỗi chăn nuôi xanh”

TS. Lê Công Nhất Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, PVCFC tham luận với chủ đề “PVCFC và định hướng phát triển gắn kết nông nghiệp bền vững”

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã đặt nhiều câu hỏi và cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và đưa ra những giải pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức mà ngành nông nghiệp đang đối mặt. Những ý tưởng sáng tạo và các giải pháp được đưa ra tại Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nâng cao tính bền vững của nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh lưu niệm

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp và thể hiện vai trò, cam kết của Trường ĐHCT trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Với những kết quả đạt được, Trường ĐHCT sẽ tiếp tục là cầu nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và địa phương nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đưa vào thực tiễn sản xuất, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế.

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 58

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI