Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Tiềm năng và tương lai thị trường carbon trong nông nghiệp Việt Nam"

Từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới đã thực hiện thành công việc mua bán tín chỉ carbon cho ngành lâm nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vẫn còn là lĩnh vực rất tiềm năng và đang trên lộ trình xây dựng cơ chế pháp lý. Để phân tích và đánh giá cơ hội, thách thức của thị trường cacbon trong nông nghiệp, sáng ngày 01/8/2024, tại Hội trường Tòa nhà Công nghệ cao (ATL), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo "Tiềm năng và tương lai thị trường cacbon trong nông nghiệp Việt Nam".

 Hội thảo diễn ra tại Hội trường ATL

Tham dự Hội thảo, có Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại Việt Nam; đại diện các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu, công ty, doanh nghiệp; đại diện cơ quan, sở, ban ngành các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Về phía Trường ĐHCT, có PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp cùng các giảng viên đại diện các đơn vị liên quan cùng tham dự.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung chia sẻ: “Trường ĐHCT có sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” mở ra cơ hội và thách thức cho các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu, hạn mặn, triều cường và sự thay đổi môi trường sinh thái. Tôi tin rằng Hội thảo “Tiềm năng và Tương lai thị trường Carbon trong Nông nghiệp Việt Nam” sẽ là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tiên tiến và mang lại những ý tưởng đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đồng thời định hướng phát triển thị trường carbon cho địa phương vùng ĐBSCL.”

Bà Sarah Hooper phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình, Bà Sarah Hooper nhấn mạnh, vùng ĐBSCL đã được Chính phủ Việt Nam định hướng trở thành trung tâm nông nghiệp của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh lương thực. Bà Hooper cũng chia sẻ rằng, trong thời gian qua, Liên bang Úc đã có nhiều chương trình hợp tác, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng ĐBSCL, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trước những thách thức về biến đổi khí hậu.

Hội thảo "Tiềm năng và Tương lai thị trường Carbon trong Nông nghiệp Việt Nam" được diễn ra với 4 tham luận chính, xoay quanh các nội dung như: phương pháp tạo ra tín chỉ carbon hiệu quả từ các hệ thống canh tác nông nghiệp; hiệu quả và tác động của các giải pháp quản lý nông nghiệp tổng hợp đến giảm phát thải và tích lũy carbon trong đất; khả năng chuyển đổi và thích ứng của hệ thống nông nghiệp; định hướng phát triển thị trường carbon từ các địa phương vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã trao đổi, làm rõ về cơ chế, vai trò của tín chỉ carbon với phát triển bền vững.

TS. Susan Orgill, đại diện Công ty Select Carbon tham luận về “Phương pháp tạo ra tín chỉ carbon hiệu quả từ các hệ thống canh tác nông nghiệp – Thương mại tín chỉ carbon”

GS. TS. David Rowlings đến từ Trường Đại học Kỹ thuật Queensland (Úc) trình bày về “Hiệu quả và tác động của các giải pháp quản lý nông nghiệp tổng hợp đến giảm phát thải và tích lũy cacbon trong đất”

 GS. TS. Jason Condon đến từ Đại học Charles Sturt (Úc) trình bày về “Khả năng chuyển đổi và thích ứng của hệ thống nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”

 PGS. TS. Châu Minh Khôi tham luận về “Kế hoạch xây dựng và phát triển Phòng thí nghiệm tiên tiến phục vụ nghiên cứu và đào tạo liên quan đến carbon và thị trường carbon trong nông nghiệp”

Hội thảo mang ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao, góp phần giúp các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thêm thông tin về các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon như cơ chế, thị trường, tính ứng dụng và các dự án nổi bật. Ngoài ra, các diễn giả cũng đã trình bày về những định hướng cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2050 đạt được Net Zero (mức phát thải khí nhà kính = 0). Năm 2022, Việt Nam đạt tỷ lệ giảm phát thải 6,8%, cao gấp đôi so với năm 2021. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đạt ngưỡng giảm thải carbon đề ra trong mục tiêu đóng góp quốc gia tự nguyện.

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Mặt khác, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch. Trong đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.

Các đại biểu tham dự thảo luận và đặt câu hỏi trong chương trình

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đưa ra nhiều câu hỏi dưới góc nhìn của doanh nghiệp và người dân như: làm thế nào để khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề này; từ đó làm sáng tỏ hơn bức tranh về thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Ảnh lưu niệm

Nhiều năm qua, Trường ĐHCT luôn là đơn vị tiên phong, chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Bên cạnh đó, Nhà trường đã và đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 388

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI